Nấc là hiện tượng gây ra do có sự kích thích lên cung phản xạ não với thần kinh hoành, hoặc giữa thần kinh hoành với cơ hoành. Đó là một hiện tượng sinh lý bình thường, một cơn nấc có thể kéo dài khoảng vài phút, cũng có thể kéo dài vài giờ hoặc có khi kéo dài đến vài ngày. Tần số nấc của mỗi người cũng khác nhau, thường thì sẽ rơi vào khoảng từ 2 đến 50 lần/phút.
Nguyên nhân gây ra bệnh nấc?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh nấc. Có thể do các bệnh lý liên quan tới đường tiêu hóa gây kích thích thần kinh hoành và thần kinh phế vị như: bệnh dạ dày, bệnh thực quản, bệnh viêm túi mật, viêm tụy, sau phẫu thuật,… hoặc một số bệnh liên quan tới chuyển hóa như: ure máu tăng, ngộ độc rượu, hoặc có thể do ăn no khiến dạ dày bị giãn căng, hoặc do nhiệt độ thay đổi đột ngột, hoặc do những căng thẳng cũng gây ra hiện tượng nấc. Ngoài ra một số thuốc điều trị các bệnh khác cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nấc, chẳng hạn như: thuốc điều trị bệnh Parkinson, hóa chất điều trị ung thư,… hoặc một bệnh viêm não, chấn thương sọ não ảnh hưởng tới thần kinh trung ương nên cũng gây ra tình trạng nấc.
Hiện tượng nấc xảy ra thường không ảnh hưởng tới sức khỏe của con người nhưng nó lại làm cho co người khá khó chịu khi cứ bị nấc liên tục.
Làm sao để điều trị tình trạng nấc?
Bản thân tình trạng nấc không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người nhưng nó lại mang lại cảm giác không mấy thoải mái khi gặp phải tình trạng này. Đặc biệt là sau khi phẫu thuật mà gặp tình trạng nấc thì càng gây đau và ảnh hưởng tới vết mổ. Một số trường hợp bị nấc kéo dài cũng khiến cho người bệnh bị mệt mỏi, mất ngủ,….
Để điêu trị tình trạng nấc có rất nhiều cách và các mẹo khác nhau. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu một số cách cơ bản sau nhé:
Để đạt được hiệu quả cao nhất thì việc quan trọng là phải xác định được nguyên nhân và phải điều trị nguyên nhân gây ra nó. Nếu không thể xác định được nguyên nhân thì chúng ta mới đi điều trị triệu chứng.
Điều trị bằng cách không dùng thuốc
Dùng đường: đây là mẹo dân gian được rất nhiều các bà mẹ áp dụng khi con cháu bị nấc. Mỗi khi bị nấc thì nhuốt một thìa đường. Cơ chế của giải pháp là khi nuốt 1 thìa đường thì các hạt đường kích thích vào niêm mạc họng và thực quản giúp cho các dây thần kinh tự thiết lập lại phản xạ, lúc đó cơ hoành không cong bị co thắt liên tục nữa. Nên cơn nấc sẽ nhanh chóng hết.
Ngậm đá: nếu bạn bị nấc trong mùa hè thì có lấy 1 viên đá nhỏ trong tủ lạnh để ngậm hoặc có thể lấy viên đá xoa lên mặt. Mẹo vặt này giúp bạn hết nấc trong tích tắc.
Uống nước: khi bị nấc bạn chỉ cần uống một ngụm nước là ngay ;ập tức cơn nấc của bạn tan biến.
Mật ong: khi bị nấc bạn chỉ cần uống 1 thìa mật ong nhỏ, mật ong sẽ tạo các xung động được dây thần kinh phế vị truyền thẳng từ não đến dạ dày mà không qua cơ hoành làm cho cơ hoành không bị co cơ liên tục thì cơn nấc cũng sẽ ngay lập tức tiêu tan.
Hít thở sâu: hít sâu và giữ hơi thở lâu, khoảng 10 giây, sau đó thở ra bằng miệng nhẹ nhàng. Thực hiện động tác này lại nhiều lần cho đến khi thấy hết nấc thì ngưng. Khi thở sâu làm cho cơ hoành bị căng và ngăn không cho cơ bị co lại. Chính vì vậy nên cơn nấc nhanh chóng qua đi.
Ép động mạch cảnh ( ép vào hai động mạch ở vùng cổ): khi bị nấc chúng ta dùng 2 ngón tay ép mạnh vào động mạch cảnh 2 bên gây ức chế lên dây thần kinh quặt ngược. Từ đó làm giảm kích thích co cơ của cơ hoành. Lúc đầu thì ép nhẹ, sau đó tăng dần đến khi cảm thấy nặng và tức thì giảm lực đi. Tiếp theo đó là nghiêng người về phía trước và uống 1 cốc nước, đồng thời cố gắng hít thở thật sau và thở mạnh ra hết sức có thể, làm đi làm lại khoảng 10 lần là hết nấc.
Riêng đối với trẻ sơ sinh thì khi trẻ bị nấc chúng ta bế trẻ lên, rồi dùng ngón tay của ta xoa nhẹ lên môi hoặc tai trẻ khoản 60 cái, mục đích là thay đổi sự tập trung của trẻ hoặc cho trẻ uống nước hay ti mẹ cũng là mẹo giúp trẻ hết nấc.
Một số phương pháp khác như châm cứu hay bấm huyệt để cân bằng thần kinh giao cảm, gây tê ngoài màng cứng ở cột sống cổ, phong bế thần kinh hoành hoặc phẫu thuật cắt dây thần kinh hoành. Nhưng các phương pháp này chỉ áp dụng đối với những trường hợp nặng, dai dẳng và đã áp dụng những cách trên mà không hiệu quả vì có nguy cơ gây suy hô hấp.
Điều trị bằng phương pháp dùng thuốc
Bên cạnh các mẹo dân gian trên mà ko hiệu quả trong việc điều trị nấc thì chúng ta có thể dùng thuốc để giảm triệu chứng nấc, như: thuốc baclofen là thuốc có tác dụng hoạt hóa một chất dẫn truyền thần kinh ức chế, thuốc điều trị co thắt cơ. Từ đó ngăn chặn được các kích thích nấc. Ngoài ra còn có thuốc: chlorpromazine, promethazine, haloperidol,… đều có tác dụng giảm nấc thông qua cơ chế ức chế cạnh tranh với dopamine ở vùng dưới đồi. Tuy nhiên là các thuốc này có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, khô miệng nên thường ít được sử dụng.
Ngoài ra còn có các loại thuốc như Metoclopramide – thuốc chuyên dùng để chống nôn cũng có tác dụng giảm cơn nấc thông qua việc làm giảm cường độ co bóp của thực quản. Hoặc thuốc Nefopam, lidocaine để tiêm tĩnh mạch cũng có tác dụng giảm nấc.
Một số trường hợp bị nấc dai dẳng, không đáp ứng với 1 loại thuốc thì việc phối hợp đồng thời nhiều thuốc là cần thiết, như: phối hợp thuốc cisapride + omeprazone + baclofen để điều trị tình trạng nấc kéo dài cũng mang lại hiệu quả. Tuy nhiên việc nấc kéo dài và dai dẳng thì cần phải đi khám để được bác sĩ chỉ định thuốc. Như vậy mới đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Để những cơn nấc không xảy ra thì nên ăn chậm, nhai kỹ, nuốt từ từ để giảm lượng khí đi vào dạ dày. Đồng thời không nên ăn những đồ cay, nóng, hạn chế đồ uống có gas, cồn tạo ra sự khó chịu từ thực quản xuống dạ dày và trào lên thực quản gây nấc.
Trên đây là một số mẹo cũng như thuốc giúp chúng ta nhanh chóng hết nấc cụt mà ai cũng nên biết.